REVIEW PODCAST HÀNH LÝ HƯ VÔ – NGUYỄN NGỌC TƯ

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư | Thể loại: Review, Podcast | Đánh giá: 9.6/10 điểm từ 45987 lượt nghe | Trạng thái: Full

Review Podcast Hành Lý Hư Vô – Nguyễn Ngọc Tư

Qua những áng văn mộc mạc và dung dị, Nguyễn Ngọc Tư đã tái hiện một lát cắt cuộc sống với vô vàn vân gỗ đan xen, chồng chéo, phức tạp nhưng lại hoà hợp.

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau

Những câu chuyện mà Nguyễn Ngọc Tư trải nghiệm, chứng kiến và kể lại đều ẩn chứa nỗi đau khôn nguôi. Cuộc sống vốn dĩ là những nỗi đau chất chồng như thế. Có vết thương đã thành sẹo nhưng vẫn không thôi nhức nhối, có vết thương chưa kịp lành miệng đã lại tiếp tục chảy máu,… Người ta thì cứ thế, tiếp tục sống và mang theo những đau thương như chấp nhận một căn bệnh mãn tính. Nỗi đau trong trang văn Nguyễn Ngọc Tư bắt nguồn từ nghịch cảnh gia đình, bi kịch tình yêu, tình bạn.

Tình yêu trong các tác phẩm của nữ văn nhân là sự thể nghiệm da diết, đau đớn và khó quên. Đó là tình cảm đơn phương phải giấu kín hàng chục niên. Là sự phản bội đường đột. Và là mối tình đúng người sai thời điểm mãi mãi dở dang. Ái tình dù ở hình dạng nào nếu không thể có một cái kết tròn trịa thì đều đau thương. Tiếc là trên đời, người ta khó có thể bắt gặp một cuộc tình không trầy xước. “Vĩnh viễn” chỉ là một đức tin. Ngay khi ở trong một mối tình, bên cạnh một tình nhân, chúng ta đã đều nhìn nhận thấy sự mất mát đang di căn.

“Có vẻ khó tin, khi một người nghĩ rằng, chỉ cần mình hết lòng yêu thương, thì ta sẽ được đền đáp xứng đáng. Có vẻ buồn cười…”

“Phụ bạc len lỏi trong máu của mỗi người. Và những cuộc bỏ rơi nhau vẫn đang xảy ra ở đâu đó.”

“Rất nhiều người sống trên đời cũng mang theo một hoặc nhiều câu hỏi mà không được trả lời. Cuộc sống là gì mà thê lương vậy?”

Review Hành Lý Hư Vô

Cô độc như dòng sông chảy mãi

Cô đơn là một trong những nguồn cảm hứng lặng lẽ chảy trong trang văn Nguyễn Ngọc Tư. Chúng ta tồn tại như một cá thể, vừa liên kết vừa không ràng buộc với xã hội ngoài kia. Cô độc là trạng thái xuyên suốt qua nhiều giai đoạn của đời người. Người ta có thể cô đơn khi một mình, cô đơn khi tồn tại giữa đám đông. Cũng có thể cô đơn trong một mối quan hệ. Và cô đơn dưới một mái nhà. Sự cô độc bắt nguồn từ sự không hiểu. Nhưng việc mong cầu một sự thấu hiểu là điều vô cùng phi lý.

Ai có khả năng hiểu được trọn vẹn một con người khi mà trái tim phút trước phút sau đã có thể đổi thay. Tâm tính trong một khoảnh khắc có thể hoàn toàn biến dạng. Ngày qua ngày, người ta vẫn vận hành trong một xã hội đông đúc và chiêm ngưỡng dòng chảy cô đơn lan tỏa trong lồng ngực, lá phổi và cuống họng mình. 

“Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài bầu trời đang nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu.”

Review Hành Lý Hư Vô

“Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình. Trời ơi, họ kia, đồng loại của mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời. Lúc ấy, tôi có một cảm giác kì lạ, chỉ mình trên đời này, chỉ một mình. Chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả…”

Xách hành lý và đi về hư vô

Còn gì cô đơn hơn một hành trình? Dù là hành trình ngắn hay dài, dù là một chuyến đi hay cả cuộc đời, nỗi cô độc cũng là hành trang không thể bỏ xuống. Chủ nghĩa xê dịch cũng ẩn hiện trong những trang văn Nguyễn Ngọc Tư. Không giống những chuyến đi khám phá đất trời của Nguyễn Tuân, cuộc đi của Nguyễn Ngọc Tư chất chứa ngàn vạn câu chuyện khiến người ta không khỏi trăn trở. Những cuộc đi một mình về nơi vô định mang đến nhiều chiêm nghiệm và suy tư, nhiều ám ảnh và day dứt. Tự do là khao khát của con người hay là một biểu hiện khác của lạc loài, cô độc?

“Một mình trên đường là nỗi cô đơn tuyệt vời nhất. Bồng bềnh. Phiêu diêu. Cảm giác không ai theo kịp mình, thấy mình như con bướm cứ chập chờn, chập chờn, không ai nắm bắt được. Vậy là không cần diễn, không cần đối phó. Vậy là gương mặt cứ mềm ra, ngây ngây. Vậy là ý nghĩ mênh mông, vu vơ không ra đầu cuối, đang nhớ người này, sực nhớ người kia.”

“Cũng không biết tới đâu chạy mệt nghỉ thì thôi, đuổi làm sao kịp thứ đã mất lâu rồi.”

💛🧡 Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và ủng hộ chúng tôi 🧡💛

📧 Email góp ý: [email protected]

💌 Facebook: https://www.facebook.com/Info.MieuGia