REVIEW BI THƯƠNG NGƯỢC DÒNG THÀNH SÔNG

Tác giả: Quách Kính Minh | Thể loại: Ngôn tình, Hiện đại | Đánh giá: 9.2/10 điểm từ 89272 lượt nghe | Trạng thái: full

Review Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông 

Bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực ngôn ngữ – vấn đề nhức nhối muôn thuở!

Đúng như tên truyện, Bi thương ngược dòng thành sông là câu chuyện mang đầy nước mắt và đau thương của nữ chính Dịch Dao. Chúng ta thương cảm cho cuộc đời Dịch Dao, thương thêm những đứa trẻ phải chịu nạn bạo lực học đường. Điều đọng lại trong tâm trí người đọc là bức tranh ám ảnh không dứt về một thanh xuân đẫm nước mắt, một thanh xuân tăm tối chẳng có lấy một tia sáng hy vọng.

Các tuyến nhân vật trong Bi thương ngược dòng thành sông được xây dựng đối lập, nhằm khắc họa sâu sắc nhất sự bất công và cái lẽ vốn đĩ của xã hội hiện đại. Dịch Dao nghèo khổ, sống không có đủ tình thương từ cha mẹ đối lập hoàn toàn với tất cả tuyến nhân vật khác trong tiểu thuyết thanh xuân thường thấy. 

Dịch Dao – cô gái 17 tuổi, đang trong độ tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời. Ấy vậy mà cô bé lại phải sống trong địa ngục mà chính những người bạn của mình tạo ra, tuổi mười bảy như một chuỗi bi kịch dài nối tiếp nhau liên tục giáng xuống cô nữ sinh bé nhỏ.

Dịch Dao không có cha, cô sống với mẹ mình, một người đàn bà cục cằn thô lỗ luôn chửi mắng đánh đập cô.

“Cậu hỏi Lâm Hoa Phượng à? Bà ta là gái điếm, là một người phụ nữ thối nát. Tớ hận bà ta. Nhưng có lúc tớ vẫn rất yêu bà ta.”

Cô không ngần ngại bày tỏ sự căm hận của mình với mẹ. Nhưng mẹ cô cũng yêu cô, bà từng quỳ xuống để xin cho cô học tiếp, rồi bà chết chỉ vì muốn lấy chiếc hộp sắt trên tủ xuống.

“Trong hộp không có gì ngoài một chiếc phong bì, bên trên phong bì viết ‘học phí của Dao Dao”.

Dịch Dao quen bạn trai – một gã tồi để rồi có thai mà phải tự mình đi bỏ trong tủi nhục. Hơn cả thế, cô bạn lớp phó Đường Tiểu Mễ lại biết được chuyện này và phát tán thông tin ra khắp trường. Cũng vì chính lí do này mà đối với Dịch Dao, những ngày đứng trước cổng trường giống như là sắp bước vào địa ngục. Cô bị bắt nạt và ức hiếp, đến mức mà ngày nào gương mặt cũng đẫm nước mắt. Dịch Dao không chỉ bị cô lập bởi bạn bè, cô bị cô lập bởi chính thân phận của mình, cô bị cô lập trong chính suy nghĩ của mình. Cái suy nghĩ quá tiêu cực rằng mình không với tới ánh dương, phần nào đẩy bản thân xa khỏi Tề Minh, gián tiếp hại chết Cố Sâm Tương. Đồng thời cũng tước đi ánh sáng mặt trời duy nhất là Cố Sâm Tây ra khỏi cuộc đời cô.

 “Dịch Dao, cậu biết không, những chuyện chị gái tớ trải qua vốn đều thuộc về cậu, bao gồm người chết đi cũng nên là cậu.”

Câu nói đau đớn nhất lại đến từ người mà cô thân thiết nhất, người từng che chở bảo vệ cô. Khi thế giới này không một ai nguyện ý bao dung cho mình, Dịch Dao chọn tự tử, cô chịu đựng được những đòn roi của mẹ, sự ức hiếp của bạn bè, nhưng rồi lại gục ngã trước những con dao phóng ra từ miệng người đời. Cái chết như một lẽ thường tình để giải quyết tất cả mọi chuyện cũng như là cách duy nhất để cô thoát khỏi địa ngục trần gian này.

Bi thương ngược dòng thành sông phản ánh hiện thực bạo lực gia đình, bạo lực học đường một cách trần trụi nhất. Có thể bạn sẽ khó chịu ấm ức vì cái kết, nhưng đó mới chính là hiện thực, nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới trẻ, cho phụ huynh hiện nay. Tôi mong mọi người có hiểu được rằng, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực ngôn ngữ đáng sợ như thế nào, nó hoàn toàn có thể đẩy con người ta đến cái chết!

💛🧡 Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và ủng hộ chúng tôi 🧡💛

📧 Email góp ý: [email protected]

💌 Facebook: https://www.facebook.com/Info.MieuGia

error: